Đột quỵ được định nghĩa là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng cục bộ hơn là lan tỏa và tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ, gồm đột quỵ xuất huyết (hemorrhagic stroke, chiếm 15-20%) và đột quỵ thiếu máu cục bộ (Ischaemic stroke, chiếm từ 80 – 85%).



Đây là tình trạng bệnh cần phát hiện khẩn cấp để có liệu pháp cứu chữa kịp thời. Nguyên nhân gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ hầu như liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì ít vận động.

Xuất huyết não phần lớn là do cao huyết áp và các nguyên nhân ít gặp hơn như vỡ dị dạng mạch máu não, bệnh thoái hóa mạch máu dạng bột, rối loạn đông máu…

Theo các chuyên gia, sau tai biến, đột quỵ, bệnh nhân nếu sống sót thì chức năng thần kinh bắt đầu hồi phục sau vài ngày đầu rồi tiếp tục hồi phục nhanh trong 3 tháng đầu; 6 – 12 tháng tiếp theo, quá trình hồi phục chậm dần.

Những nhân tố trọng điểm để xác định mức độ hồi phục của bệnh nhân đột quỵ gồm:

  1. – Sự kiểm soát đại tiện, tiểu tiện.
  2. – Sự kiểm soát tư thế
  3. – Khả năng nhận thức
  4. – Khả năng di chuyển
  5. – Chức năng hoạt động của thị giác.


Do ảnh hưởng của đột quỵ não, tỷ lệ hồi phục chức năng các chi được đánh giá là không cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 60% bệnh nhân mất chức năng của tay 1 tuần sau đột quỵ không hồi phục; 18 tháng sau đột quỵ, 55% bệnh nhân mất chức năng hoặc hạn chế chức năng của tay; 4 năm sau đột quỵ chỉ 50% có chức năng từ khá tới tốt.

Để các chức năng trên được hồi phục kịp thời, tránh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, các chuyên gia khuyến cáo tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu phục hồi chức năng sau đột quỵ sớm (trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định.

Chống chỉ định vận động sớm bao gồm: •Các bệnh nhân làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch, tình trạng nội khoa không ổn định, độ bão hòa oxy thấp, gãy hoặc chấn thương chi dưới kết hợp.

Do vậy để cải thiện quá trình hồi phục vận động sau đột quỵ cần:

Bắt đầu các bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵ sớm và phù hợp: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, càng luyện tập sớm thì khả năng phục hồi sau đột quỵ càng cao.

Bệnh nhân cần có nhiều động lực, cố gắng. Hiện nay có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ tập luyện. Chỉ cần người bệnh kiên trì luyện tập chắc chắn sẽ có kết quả tốt.

Cường độ tập luyện tăng dần, lặp lại nhiều lần, tần suất cao

Tập luyện chú trọng vào vấn đề cụ thể của từng bệnh nhân: Mỗi bệnh nhân có ảnh hưởng ở các bộ phận khác nhau và khả năng hồi phục khác nhau. Do đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Việc xác định bài tập phụ thuộc vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó. Các bài tập đứng dậy, tập đứng thăng bằng, tập thay đổi vị thế, tập di chuyển… là những bài tập phổ biến và hiệu quá đang được sử dụng nhiều hiện nay.

Ngoài ra, các bài tập phục hồi giọng nói sau tai biến và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp được với mọi người và có thể tự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như phục vụ công việc sau này.