( Blog tâm sự) - Bệnh của con ở Việt Nam mới chỉ có vài trường hợp thôi. Để chữa cho con cần phải ra nước ngoài và với chi phí là tiền tỉ. Lương giáo viên môn Sinh cấp 2 của mẹ giờ mới được 3 triệu, còn bố con nhiều nhất cũng chỉ là 5 triệu thì biết bao giờ lo đủ tiền cho con.Mỗi lần sinh con là một lần đau. Không phải đau vì vết cắt da thịt mà là đau trong tim, trong đầu mẹ.

Kiều Trọng Đức, con thật giỏi vì đã vượt qua 5 ngày trên khoa sơ sinh do bệnh lý nôn trớ, vàng da sớm. Con luôn phải thở ôxi, ăn bằng xông. Khi con lớn lên được gần hai tuổi, nhìn con như một thiên thần, mẹ vui lắm và chờ mong ngày con cất tiếng gọi mẹ. Nhưng càng chờ mẹ chỉ nhận được những âm vô nghĩa mà con phát ra.

Những đứa trẻ cùng thời gian sinh với con, thậm chí sinh sau con đã biết gọi bố, gọi mẹ rồi. Nhìn con mẹ không khỏi chạnh lòng. Theo lời khuyên của mọi người, mẹ cho con đi nhà trẻ. Ba tháng trôi qua con chưa có gì tiến bộ, mang theo lo lắng, mẹ cho con lên khám tại viện Nhi TW. Khi nhìn dòng chữ cần theo dõi tự kỷ, mẹ đã tự hỏi “Mẹ phải làm gì để con sống có ý nghĩa đây?”.

Hai tháng tiếp theo mẹ và con như đang sống trong một cuộc chiến tranh. Ở đó mẹ con ta cần phải đánh lui kẻ thù là những dấu hiệu của bệnh tự kỉ như: ăn vạ, phát âm vô nghĩa, không giao tiếp bằng mắt, không bắt chước. Để làm những điều đó, mẹ phải để con một mình khi con ăn vạ, mặc dầu con khóc có khản tiếng. Khi con nói âm vô nghĩa mẹ phải đánh vào miệng con.

Mẹ tìm mọi cách để con chú ý vào mắt mẹ. Mẹ đã nói hàng trăm, hàng nghìn lần chỉ là từ “ạ” hay từ “dạ”. Mẹ kiên nhẫn chờ đợi sự đáp lại của con nhưng vẫn chỉ là con số không. Có nhiều lúc tưởng như mẹ đã bỏ cuộc. Rồi mẹ đã tự động viên mình cố lên. Cuối cùng con trai của mẹ cũng thay đổi.


Khi bác sĩ kết luận con không còn dấu hiệu của bệnh tự kỷ nữa thì cuộc chiến tranh ấy phần thắng đã thuộc về mẹ con mình. Tuy con phát triển vẫn chậm hơn một chút so với các bạn nhưng mẹ đã mãn nguyện lắm. Mẹ con ta tiếp tục cố gắng. Giờ đây con được 40 tháng, đã biết đọc thơ, biết hát và thích tự làm nhiều thứ. Lúc này câu hỏi của mẹ đã có một đáp án đúng.

Kiều Trí An à! Mẹ sẽ không phải hỏi lại câu hỏi này, nếu ngày đó mẹ bỏ con? Con có biết không trước ngày lên viện để bỏ con khi con được 4 tuần thai, mẹ đã hỏi con “Con à! Nếu con muốn ở với bố mẹ thì ngày mai phát triển tốt lên, nếu không mẹ sẽ bỏ con đấy.” Thật kỳ diệu, khác với 5 ngày trước, con phát triển chậm và màng nuôi mỏng thì giờ con phát triển bình thường. Con đã ở lại với bố mẹ như thế đó.

Đến ngày mổ sinh con, mẹ háo hức để gặp con. Khi tỉnh lại sau gây mê, việc đầu tiên mẹ tìm số trên cổ tay rồi ngóc đầu lên hỏi sức khỏe của con. Mọi thứ đều tốt đẹp. Khi về giường gặp bố thì bố khoe “Con khóc to lắm, thóp nhỏ hơn anh Đức”. Mẹ vui lắm. Lo cho mẹ xong thì bố lên hỏi tình hình của con, khi về mang theo khuôn mặt nhăn nhó. Mẹ đã thấy điều gì không ổn.

Sự lo lắng của mẹ từ đó cứ được hé mở dần dần và cũng dồn nén để rồi dâng lên tột độ. Trời tháng giêng lạnh lắm nên con được ủ rất cẩn thận, cũng vì vậy không thấy điều gì lạ ngoài cái trán rô, cái thóp thấp và cái mũi gãy. Bác sĩ bảo có thể do mẹ lúc mang thai thiếu canxi nên xương của con chưa được ổn định thôi.
Con nôn trớ nhiều lắm, cả ngày lẫn đêm con đòi bế trên tay. Hễ đặt con xuống là mũi con lại khịt lên vì khó thở. Con được 8 ngày mẹ mới biết bàn tay và chân của con có chỗ không bình thường. Lo lắng lắm, muốn cho con đi khám ngay nhưng vì con còn yếu nên mẹ vẫn phải chờ.

Khi con được 27 ngày, mẹ mới biết con bị hội chứng Apert. Càng đi sâu vào tìm hiểu mẹ càng choáng váng. Bệnh của con ở Việt Nam mới chỉ có vài trường hợp thôi. Để chữa cho con cần phải ra nước ngoài và với chi phí là tiền tỉ. Lương giáo viên môn Sinh cấp 2 của mẹ giờ mới được 3 triệu, còn bố con nhiều nhất cũng chỉ là 5 triệu thì biết bao giờ lo đủ tiền cho con. Mẹ ước mình có tài sản nào thật lớn như mảnh đất, hay căn nhà chung cư để bán đi. Nhưng trớ trêu bố mẹ không có gì cả, ngoài tài sản là tình cảm dồn thật nhiều cho con và ở bên con nhiều hơn.

Mẹ vẫn luôn hỏi mình câu hỏi đó “Mẹ phải làm gì để con được sống” và mẹ vẫn tìm các câu trả lời. Nhưng câu trả lời đúng nhất lại không thuộc về mẹ. Con số 40.000USD là tiền viện phí cho ca phẫu thuật nới hộp sọ cứ ám ảnh mẹ. Ca phẫu thuật này, con cần phải làm để giành lại sự sống. Nếu không khi được 3 tuổi con sẽ vô thức và… Nghĩ đến đó thôi, mẹ sợ lắm.

Khi nhìn những cử chỉ, nụ cười đáng yêu của con, mẹ lại quặn đau. Giờ con được 11 tháng rồi, con chỉ còn có hơn một năm nữa thôi. Cơ hội của con thật mong manh, nếu chỉ dựa vào sức của mẹ. Mẹ hy vọng và tin rằng trên đời còn có nhiều tấm lòng nhân ái, họ sẽ hiểu và giúp đỡ mẹ con mình. Con ơi, cố lên!

Xem thêm : http://www.womantoday.vn/search/labe...m%20s%E1%BB%B1

Chủ đề cùng chuyên mục: